Giá xăng dầu hôm nay 11/1: Giảm hơn 1 USD
Giá xăng dầu hôm nay 11/1, thị trường thế giới ghi nhận mức giảm hơn 1 USD, chờ kết quả tăng lãi suất từ Fed để đánh giá diễn biến tiếp theo.
Giá dầu thế giới
Theo Oilprice, giá dầu sáng ngày 11/1 (theo giờ Việt Nam) cụ thể là: giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,01 USD, còn 75,11 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 1,01 USD, còn 79,79 USD/thùng.
Giá dầu thô giảm khi thị trường chờ đợi kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang để đánh giá tác động đối với nền kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Diễn biến giá dầu WTI trên thị trường thế giới rạng sáng 11/1 (theo giờ Việt Nam)
Ngày 9/1, 2 quan chức Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cho biết rằng họ kỳ vọng lãi suất chính sách của Fed - hiện ở mức 4,25% đến 4,5% - sẽ cần tăng theo từng bước lên 5,0 – 5,25% để kiểm soát tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết dữ liệu lạm phát được công bố vào thứ 5 tới sẽ giúp Cục quyết định liệu có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới hay không, chỉ tăng 1/4 điểm thay vì mức tăng lớn hơn mà Fed đã ra lệnh cho hầu hết năm 2022.
Tamas Varga của nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết đồng đôla sẽ giảm nếu lạm phát thấp hơn kỳ vọng hoặc thấp hơn mức tháng 11.
Trung Quốc cũng ban hành đợt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô thứ hai cho năm 2023, nâng tổng hạn ngạch cho năm nay thêm 20% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu của Trung Quốc phục hồi có thể chỉ hỗ trợ hạn chế cho giá dầu dưới áp lực suy giảm từ nền kinh tế toàn cầu.
Diễn biến giá dầu Brent trên thị trường thế giới sáng 11/1 (theo giờ Việt Nam)
Một quan chức G7 cho biết nhóm G7 sẽ tìm cách đặt hai mức giá trần cho các sản phẩm tinh chế của Nga vào tháng 2, một mức giá cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao hơn dầu thô và một mức giá cho những sản phẩm được giao dịch ở mức chiết khấu.
Liên minh - bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cộng với 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu - đã đưa ra mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga từ ngày 5/12, ngoài lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.
Những lá cờ trong phiên làm việc đầu tiên của G7 ở Muenster, Đức (nguồn: Reuters)
Từ 5/2, liên minh cũng sẽ áp đặt trần giá đối với các sản phẩm của Nga, chẳng hạn như dầu diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu, để tiếp tục làm giảm doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu năng lượng.
Tuy nhiên, việc giới hạn giá sản phẩm dầu của Nga phức tạp hơn so với việc đặt giới hạn giá đối với riêng dầu thô, bởi vì có nhiều sản phẩm dầu và giá của những sản phẩm đó thường phụ thuộc vào nơi mua hơn là nơi sản xuất.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 11/1 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 3/1 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 332 đồng/lít, lên 21.352 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 347 đồng/lít, giá hiện tại là 22.154 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu (trừ dầu diesel) tăng giá. Cụ thể, dầu hoả tăng 601 đồng/lít, lên 22.767 đồng/lít; dầu mazut là 13.740 đồng một kg, tương đương tăng 107 đồng/lit. Riêng dầu diesel giữ nguyên giá bán 22.150 đồng/ lít.
Tại kỳ điều hành lần này, Liên bộ ngừng chi và trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 và xăng RON 95, đồng thời trích lập ở mức 605 đồng/lít với dầu diesel, 200 đồng/lít với dầu hỏa.
Chiều nay sẽ là phiên điều hành giá xăng dầu tiếp theo trong tháng 1/2023.
Theo Linh Chi - https://congthuong.vn/.